Vào các dịp lễ Tết, trên mâm cỗ truyền thống của người dân Việt Nam không thể thiếu món bánh chưng. Tùy vào mỗi vùng miền khác nhau mà bánh chưng được gói theo hình thức kích thước khác nhau. Dưới đây là ý nghĩa và cách gói bánh chưng gù Hà Giang.
1. Ý nghĩa của bánh chưng gù Hà Giang
Bánh chưng gù là loại bánh truyền thống của người Dao Đỏ khu vực Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Bánh chưng gù biểu tượng cho người phụ nữ Dao đang đeo gùi trên lưng. Hình ảnh khi họ cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy đã tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng này. Chính vì nên món bánh này được gọi là bánh chưng lưng gù.
Kích thước của bánh chưng gù nhỏ xinh, chỉ to hơn nắm tay một chút. Nhìn bên ngoài bánh múp míp và đầy đặn.
Bánh được làm từ loại gạo nếp dẻo thơm, màu xanh, bánh mềm và có mùi thơm đặc trưng. Cũng vì hình dạng nhỏ xinh nên người dân thường dễ mang bánh theo và có thể bóc ăn bất cứ lúc nào.
Xem thêm: Tục lệ làm bánh chưng bánh tét ngày Tết ở Việt Nam
Bánh chưng gù được gói bằng 1 hay 2 lớp lá dong, khi bóc bánh khá dễ dàng và tiện lợi. Phần gạo nếp là gạo nếp nương và được ngâm với nước lá dong riềng trước khi gói nên có màu xanh đều từ trong ra ngoài. Phần nhân bên trong bao gồm: đậu xanh, thịt mỡ được tẩm ướp nguyên liệu muối tiêu kết hợp lại tạo nên vị bùi bùi thơm thơm đặc trưng.
Khi gói bánh, người gói cần gói chặt tay để khi luộc phần vỏ ngoài của bánh không bị nhão.
2. Cách gói bánh chưng gù Hà Giang
Nguyên liệu chuẩn bị gói bánh chưng gù
Gạo nếp nương
Thịt lợn sạch
Đỗ xanh
Lá dong
Lạt buộc
Gia vị: mắm, tiêu …
Click ngay: Hướng dẫn làm bánh chưng chay thơm ngon cho dịp lễ Tết
Các bước tiến hành gói bánh
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp nương: Đem ngâm với nước khoảng 3 – 5 tiếng. Sau đó vo lại thật sạch với nước và tiến hành nhặt sạn thừa thật kỹ.
Đỗ xanh: Đem ngâm với nước 2 tiếng rồi trộn một chút bột canh rồi mang đi hấp chín.
Thịt lợn: Chọn phần thịt ba chỉ, có một chút mỡ sẽ giúp nhân bánh thêm ngậy hơn, thơm hơn. Rửa sạch thịt, để ráo nước và thái vừa phần nhân khoảng 2 ngón tay, sau đó tẩm ướp gia vị với hạt tiêu, mắm, mì chính, ướp khoảng 1 tiếng.
Lá rong rửa sạch, lau khô.
Bước 2: Tiến hành gói bánh
Đặt lá vào giữa mâm, cho gạo nếp vào, sau đó là đỗ xanh và thịt lợn để ở giữa. Cuối cùng bạn sẽ phủ một lớp gạo nếp lên.
Bạn gói bánh như khi gói bánh chưng bình thường. Cố định thật chặt lại bằng lạt.
Bước 3: Cách luộc bánh chưng gù
Sau khi gói bánh xong, bạn chuẩn bị một chiếc xoong gang, xếp bánh gọn gàng và đổ nước ngập phần bánh.
Để bánh thơm ngon hơn, người ta vẫn thường lựa chọn cách đun bằng củi. Thời gian đun khoảng 5 – 6 tiếng.
Sau khi luộc xong, bạn vớt bánh ra, dùng một miếng vải sạch, nhúng vào nước lạnh và vắt khô, lau sơ bề mặt bánh bên ngoài.
Món bánh chưng gù này thường được dùng để ăn sáng, trong cỗ bàn, lễ Tết rất phù hợp.
Yêu cầu: Bánh chưng gù vừa chín, không bị nhão. Phần nhân bánh màu xanh đẹp mắt, hương bị đậm đà, thơm ngon.
Trên đây là ý nghĩa và cách gói bánh chưng gù Hà Giang. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn đọc.