Ngày Tết cổ truyền không thể thiếu món bánh chưng, bánh tét thân quen. Nếu bạn muốn thử mang lại sự mới mẻ, nhiều màu sắc cho món bánh chưng truyền thống thì hãy làm bánh chưng ngũ sắc theo cách dưới đây.
Hướng dẫn cách làm bánh chưng ngũ sắc cho mâm Tết
Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu
Để gói bánh chưng ngũ sắc bạn cần chuẩn bị nguyên liệu tương tự như gói bánh chưng loại thường bao gồm:
- Gạo nếp loại ngon.
- Đỗ xanh đã đãi sạch vỏ.
- Lá dong (nên chọn bó lá kích cỡ lớn, màu lá xanh tươi, đẹp mắt, đều lá, bảo quản sao cho lá không bị rách).
- Khuôn gói bánh chưng.
Đặc biệt, vì bánh chưng ngũ sắc có nhiều màu hơn bánh chưng thường nên bạn cần chuẩn bị thêm các nguyên liệu để tạo màu cho bánh. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều màu thực phẩm để nhuộm màu cho gạo nếp và làm bánh. Loại bánh chưng gói kiểu này cũng cho ra thành phẩm bánh 5 màu nhưng hương vị bánh thường không được ngon, nếp không thơm. Muốn làm bánh ngũ sắc đúng chuẩn truyền thống, bạn hãy chuẩn bị các loại nguyên liệu quan trọng sau:
- Phần bánh chưng có màu xanh đậm: Chuẩn bị lá dứa hoặc lá riềng xay nhỏ, lọc lấy nước và ngâm gạo nếp.
- Phần bánh chưng có màu vàng: Chuẩn bị nghệ tươi.
- Phần bánh chưng có màu đỏ: Chuẩn bị 1 quả gấc tươi.
- Phần bánh chưng có màu đen: Chuẩn bị gạo nếp cẩm.
Bước 2: Ngâm gạo nếp
Xem thêm: Hình ảnh bánh trưng ngày tết
Bánh chưng muốn chín đều, vỏ bánh dẻo thơm thì trước khi gói bánh chúng ta cần ngâm gạo nếp cho thật kỹ. Trước hết đem gạo đi vo với nước, cần loại bỏ sạn và các hạt gạo lép, sau đó ngâm ngập nước trong khoảng 12 – 14 tiếng liên tục rồi vớt gạo ra ngoài cho ráo nước.
Tiếp tục lấy lá dong rửa nhẹ nhàng cả hai mặt rồi dùng khăn mềm lau khô.
Bước 3: Làm nhân bánh
Nhân bánh chưng ngũ sắc cũng tương tự như nhân bánh chưng thường, bao gồm đỗ xanh và thịt ba chỉ lợn. Để làm phần nhân này, đem đỗ xanh ngâm qua đêm rồi xả qua nước lạnh cho sạch bọt, đem đồ/hấp chín đến khi đỗ chín nhừ.
Thịt ba chỉ rửa sạch rồi thái thành miếng lớn, có cả thịt và bì, ướp gia vị gồm muối, hạt tiêu cho vừa ăn. Cứ mỗi miếng thịt ba chỉ lại được bao bên ngoài bằng đỗ xanh chín nhừ, nặn các phần đỗ và thịt này thành từng nắm lớn. Mỗi nắm đỗ sẽ là nhân cho 1 chiếc bánh chưng về sau.
Bước 4: Tạo màu cho bánh chưng ngũ sắc
Đây là bước kỳ công nhất và cũng quyết định thành phẩm cuối cùng của quy trình làm bánh chưng. Trước khi tạo màu, bạn nên chia gạo nếp thành nhiều phần, mỗi phần để tạo ra một phần vỏ bánh có màu riêng.
Xem thêm: Rượu chùm ruột
- Phần bánh chưng màu đỏ: Bạn cắt đôi quả gấc tươi và lấy toàn bộ hạt gấc trộn cùng gạo đã ráo nước. Tùy sở thích cá nhân mà chúng ta tự căn chỉnh sao cho gạo có màu đỏ nhạt hoặc đậm.
- Phần bánh chưng màu xanh: Xay nhỏ lá riềng hoặc lá rửa đã làm sạch từ trước rồi trộn bột lá với nước. Lọc nước cốt này qua rây bột để hạn chế cặn bã khi ăn. Đổ nước cốt vào phần gạo nếp đã chuẩn bị đến khi lên màu xanh như ý. Kinh nghiệm là lá riềng cho vỏ bánh xanh đậm, lá dứa chỉ lên màu xanh hơi nhạt nhưng rất thơm.
- Phần bánh chưng màu vàng: Nghệ bạn xay nhuyễn lấy nước cốt, sau đó trộn cùng gạo nếp. Lưu ý: Không cho quá nhiều cốt nghệ đặc để tránh việc bánh bị đổi vị.
Bước 5: Gói bánh
Để phần gạo không bị lẫn màu vào nhau bạn cần rải gạo thành từng khoảng màu cho thật tỉ mỉ. Kế đó đặt nhân bánh vào chính giữa và lại phủ các màu gạo tương ứng lên trên nhau. Chúng ta có thể dùng khuôn để nén gạo cho chặt, tạo hình vuông vức một cách dễ dàng hơn.
Khi đã hoàn thành phần xếp gạo và nhân, bạn lấy lạt buộc chắc lá dong để bánh chưng chín đều, dễ bảo quản, không bị lại gạo sau khi luộc. Bánh chưng ngũ sắc cần được luộc trong nhiều giờ liên tục để chín đều, khi luộc cần thay nước để lá dong vỏ bánh có màu tươi tắn. Sau khi luộc xong cần vớt bánh ra ngoài cho ráo nước rồi mới thưởng thức.
Bánh chưng ngũ sắc với mùi vị thơm ngon, hấp dẫn sẽ làm mâm cơm Tết nhà bạn thêm đong đầy. Vào bếp thử tài gói bánh ngay bạn nhé. Chúc các bạn thực hiện thành công!