Bánh chưng vốn là món bánh truyền thống của người dân ta vào những dịp lễ Tết. Ngày nay bánh chưng còn được biến tấu với nhiều màu sắc khác nhau từ những nguyên liệu tự nhiên, trong đó có bánh chưng gấc. Dưới đây là cách làm bánh chưng gấc đỏ cho ngày lễ Tết.
1. Ý nghĩa của bánh chưng gấc đỏ
Từ xưa đến nay, bánh chưng mang đậm đà nét văn hóa ẩm thực của dân tộc ta với những nguyên liệu vô cùng đơn giản mà tạo nên một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.
Cũng được chuẩn bị từ những nguyên liệu là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn. Tuy nhiên bánh chưng gấc có thêm phần nguyên liệu từ gấc. Bánh chưng gấc dẻo, có vị mặn ngọt và màu đỏ đẹp tượng trưng cho phú quý phát tài, mang lại nhiều may mắn.
Xem thêm: Hình ảnh bánh chưng ngày Tết của các vùng miền ở Việt Nam
Bề ngoài bánh chưng gấc vẫn màu xanh, nhưng khi bóc ra bên trong ruột đỏ, phần gạo dẻo, nhuyễn cùng các nguyên liệu truyền thống tạo nên một mùi vị vô cùng đặc biệt.
Người dân quan niệm rằng đầu năm có bánh chưng gấc sẽ đem lại sự may mắn cho mọi thành viên trong gia đình.
2. Cách làm bánh chưng gấc đỏ
2.1 Nguyên liệu chuẩn bị
2 kg gạo nếp ngon
600 g đỗ xanh
1 quả gấc chín đỏ
500 g thịt ba chỉ
Hạt tiêu, hành khô, muối, đường, rượu trắng
Lá rong, lạt buộc
Click ngay: Cách làm bánh chưng đen đặc sản núi rừng Tây Bắc
2.2 Sơ chế nguyên liệu
Gạo nếp: đem vo sạch, nhặt kỹ sạn, ngâm khoảng 8 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước.
Đỗ xanh vo sạch, ngâm khoảng 6 – 8 tiếng, vớt ra để ráo nước sau đó bạn đem hấp chín.
Thịt ba chỉ rửa sạch, thái miếng vừa phải rồi thêm chút muối, hạt tiêu và hành băm trộn đều ướp trong vòng 1 giờ.
Gấc bổ đôi, khéo léo dùng thìa lấy phần ruột gấc ra.
Lá rong rửa sạch để ráo nước.
Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ.
Bạn đổ gạo vào một thau to, tiếp theo đổ phần ruột gấc vào, thêm một chút đường và rượu trắng, sau đó trộn đều hỗn hợp trên để toàn bộ phần gạo chuyển sang màu đỏ. Lưu ý loại bỏ hạt gấc ra nhé. Để thêm khoảng 10 – 15 phút thì bắt đầu tiến hành gói bánh.
2.3 Tiến hành gói bánh chưng
Lá dong dùng để gói bánh phải được rửa sạch và lau khô.
Tiến theo bạn xếp 4 chiếc lá dong hình chữ thập, sau đó lần lượt cho các nguyên liệu lên trên bao gồm: 1 chén gạo nếp vào chính giữa, rồi đến nhân đỗ, nhân thịt và thêm 1 lớp gạo bên trên, sao cho phần gạo phủ kín phần nhân bánh.
Bạn khéo léo gấp lần lượt hai mép phải rồi trái của 2 lá bên trên lại cho vuông vức, phần nguyên liệu nằm gọn trong phần lá dong tạo thành hình vuông chắc chắn.
Người ta có thể dùng khuôn bánh có sẵn hoặc gói bánh bằng tay đều được.
Sau cùng, dùng 4 chiếc lạt buộc bánh lại đảm bảo bánh không bị bung, cầm chắc tay.
2.4 Luộc bánh chưng gấc đỏ
Xếp bánh gọn vào trong nồi to và đổ ngập nước. Ban đầu đun lửa to, khi nước sôi thì đun nhỏ lửa và luộc từ 10 – 12 tiếng liên tục để bánh được chín đều.
Sau khi chín, thả bánh chậu nước lạnh rồi vớt ra lấy vật nặng đè lên, bước này giúp cho bánh được săn chắc hơn.
Bánh chưng gấc bạn có thể dùng để thắp hương tại nhà hoặc làm quà biếu người thân họ hàng trong dịp lễ Tết đều được.
Bánh chưng gấc có thể ăn kèm dưa hành hay rau củ trộn đều ngon mà lại không bị ngấy.
Trên đây là ý nghĩa của bánh chưng gấc đỏ và cách làm bánh chưng gấc đỏ. Chúc các bạn thực hiện thành công.